Tháng Mười Hai
    Tháng mười hai rồi Bố ạ, thiên hạ chộn rộn mua sắm trong không khí náo nhiệt tưởng chừng như sắp nổ tung như pháo bông được bắn lên bầu trời đêm đen tỏa muôn màu muôn sắc rực rỡ mừng lễ Chúa Giáng Sinh.  Sương sớm vẫn giăng bàng bạc, làm trắng thêm mãnh khăn tang quấn trên đầu Mẹ và chúng con.  Từng con gió đông bắc lùa về như kim chích vào từng thớ thịt của con, làm vật vã hàng cây khô trước nhà, làm đặc quánh thêm cái không gian mùa đông - vắng Bố - mờ mịt sương .  Con tưởng con đang mơ một giấc mơ dữ, muốn gào thét lên để tỉnh giấc ác mộng, càng gào con lại thấy mình chơ vơ lạc lõng trong màn sương sớm vang vọng xa xa có tiếng rít của từng cơn gió hú đáp lời.
    Con đang ở tận đáy vực thẳm u tối, nơi sự sống, niềm vui, và sự hi vọng cho một tương lai sáng lạc không còn, nơi oxygen đã bị ai đó nhặt bỏ vào một cái bị, cột chặt lại và đem giấu đi, vẫn cái cảm giác ngột ngạt khó thở, thân thể con đi ra đi vào như một cỗ máy vì ruột gan con đã bị thắt gút, cuộn tròn lại để bị đá lăn đi như một trái banh cũ hết hơi, nơi nước mắt con không chảy thành dòng nơi hai khóe mắt mà lại chảy ngược về tim.
Oh, yet we trust that somehow good, will be the final goal of ill !
Còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau này ?

    Sáng nay trời lạnh lắm Bố ạ !  Mà chắc Bố không cần phải mặc áo ấm như mọi khi.  Người ta bảo hôm nay là ngày lạnh nhất trong năm - ngày đầu tiên của mùa đông.  Các thảm cỏ úa vàng phủ đầy sương đã kịp đông lại thành đá mịn màng như bạc vụn, dường như đêm qua mưa bạc từ trời đổ xuống mừng lễ Chúa Giáng Sinh - ngày lễ mà Bố thường yêu thích nhất !  Một màu trắng xóa phủ đầy các ngọn cây như những cái đầu xanh sau một đêm chứng kiến cảnh nhân loại khổ sở vì vội vã chen chúc mua cái này sắm cái kia ... bổng hóa râm.
    Mái tóc đen của Bố chuyển dần sang màu trắng nhanh hơn cả những kỳ tích chúng con gặt hái được trong trường lớp hoặc trong cuộc sống .  Lưng Bố còng xuống vội hơn những lần chúng con tự hào lên tiếng tranh luận với Bố vì nghĩ rằng mình đã khôn lắm rồi từ những mớ chữ hỗn độn từ trường học và kinh nghiệm sống từ trường đời.  Các nếp nhăn cứ lần lượt rủ nhau về xếp đầy trên khuôn mặt xương xương của Bố mỗi khi chúng con bướng bỉnh làm ngược lại những gì Bố khuyên răn.  Những nỗi lo tương lai cho chúng con và lũ cháu nặng dần làm chậm đi bước chân của Bố, tất cả những điều đó giờ đây dường như không còn một ý nghĩa nào nữa cả. 
    Hôm Bố đi, trời đổ mưa như hòa nhịp khóc trong bài giao hưởng đau thương của Mẹ và chúng con.  Bà con láng giềng thương xót, an ủi, ông đi như vậy là có phước lắm, con cháu sẽ làm ăn nên.  Chỉ thương Bố một đời nghèo khó lận đận vì chiến tranh và tù đày, đến cuối đời lại phải ra đi trong một ngày mưa gió để con cháu được phồn thịnh sao ?  Ðáng chăng ?  
    Một thằng bé tám tuổi lấm lem từ đầu tới chân, run rẩy vì rét trong bộ quần áo củ kỹ và rách nát, bước vào một  shop nọ ..., giọng ca nam buồn buồn hát,
"It's Christmas Eve, and I want those shoes for my Mom.
Could you please hurry, Sir ?
Because Dad said there's not much time left.
You see, my Mom has been sick for a quite of time
Those shoes are her size,
I just want her to look pretty if she goes to see Jesus tonight .."

    Nếu trái tim con còn sót lại mãnh yêu thương nào và nếu nước mắt con còn đọng lại đâu đó trong cơ thể con thì con xin dành tất cả những gì còn lại cho đứa bé tám tuổi ấy.  Ngày xưa Bố nhắc nhở chúng con luôn, cho đi thì hạnh phúc hơn nhận lãnh.  Con nhớ mãi buổi chiều hôm ấy, những ngày cuối năm, nắng chiếu vàng gợn sóng lấp lánh trên mặt sông Thanh Ða, gió bâng quơ thổi nhẹ đưa các thỏi vàng ra xa về phía chân cầu Bình Triệu, nơi những thảm lục bình có lá xanh mướt bập bềnh ru ngủ những cụm hoa tim tím và mỏng như giấy con trẻ dùng để vẽ tranh, chuông nhà thờ ính ong đổ báo hiệu thánh lễ đã xong.  Phải nửa tiếng sau Bố mới về đến nhà, lại không thấy Bố dong chiếc xe đạp cà tàng - phương tiện đi lại duy nhất trong nhà - như thường lệ.  
    Mẹ hỏi, Bố bảo, mất rồi.  Cả nhà tiếc hùi hụi cho cái tài sản quý giá mà chả biết bao giờ mới sắm lại được.  Bố kể, chiều nay đi làm ra trễ, tới nhà thờ thì Cha xứ đã ra tới bàn thánh, không kịp để gởi xe cho an toàn, Bố thiết nghĩ kẻ trộm nào lại dám to gan nơi chốn linh thiêng.  Nghĩ thế nên Bố dựa chiếc xe đạp vào gốc cây  liễu già xõa tóc buồn nơi cuối nhà thờ rồi vào tham dự thánh lễ.  Bố nói tiếp, bần cùng sanh đạo tặc, mình đã nghèo nhưng chắc ai đó lại còn nghèo hơn, nên mới cần chiếc xe đạp củ kỹ đến thế.  Nói xong Bố vào giường, xoay mặt vào vách một chốc sau đã nghe tiếng ngáy đều đều.  Con bổng nghe tiếng thở dài của Mẹ.
S    áng sáng Bố dậy sớm hơn, nhìn khuôn mặt u sầu của Mẹ, Bố bảo, "Lo gì, đi bộ nhiều, máu chảy điều hòa, tan bớt mỡ, tốt cho cơ thể bị cao huyết áp như tôi." Giáo xứ biết tin Bố bị mất xe, vận động và gom góp đâu đó được gần một trăm ngàn biếu Bố để Bố sắm xe mới.  Bố về lẳng lặng bỏ thêm vài chục ngàn - tiền để dành phòng khi ốm đau - cho đủ một trăm ngàn, bỏ vào phong bì dán kỹ, hôm sau lại thấy lẩn thẩn cuốc bộ về không.  
    Hỏi mãi, Bố bảo trên đường đi mua xe, có ghé thăm bác X., thấy gia cảnh thương quá vì mái nhà dột nát, nhà nghèo lại không có tiền thay cái mái tôn, những ngày trời nắng, ánh sáng cứ luồn thành hơi mà đâm lổ chổ lên cái nền đất ẩm; những ngàytrời mưa, con cái lại bồng bế nhau chạy mưa  trong căn nhà lụp xụp như ngày xưa Bố chạy loạn. Bác ấy cần cái mái tôn hơn mình cần chiếc xe đạp, dù sao gia đình mình ngước mắt lên mình còn thấy trăng sao vằng vặc qua cái khung cửa sổ kia,  nhìn xuống mình không phải đạp lên những luồn ánh sáng đầy khí trời oi bức, tối ngủ không phải nơm nớp lo : liệu ông trời có đổ mưa đêm nay hay không ... thì Bố đi bộ vài hôm nữa có sao đâu !  Tết năm ấy, Bố đi bộ vòng vòng chúc Tết bà con, mà vui và hạnh phúc hơn bao giờ hết.
    Ngoài kia văng vẳng khúc nhạc buồn tiễn biệt năm 2000 chuẩn bị đón mừng năm mới ... một năm mới không còn Bố, và Mẹ và chúng con không biết phải sống ra sao ... thì có nên đón mừng không, Bố ơi ?

24 tháng 12, 2000 ; 30 ngày giỗ Bố.